Khi biên dịch Nhật – Việt hợp đồng mua bán, bạn đã từng gặp khó khăn vì không tìm được từ vựng thích hợp, không thể dịch suôn sẻ các điều khoản quan trọng như: giải quyết tranh chấp, trách nhiệm chịu rủi ro từ tiếng Nhật sang tiếng Việt chưa? Đối với người biên dịch mới vào nghề, có lẽ biên dịch hợp đồng buôn bán là một việc khá thử thách. Ở bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu các kinh nghiệm trong biên dịch hợp đồng từ tiếng Nhật sang tiếng Việt dành cho các biên dịch tuổi nghề còn trẻ. Hy vọng bài biết sẽ bổ ích để các bạn tham khảo và nâng cao kỹ năng dịch thuật.

Hợp đồng mua bán là gì?
Hợp đồng mua bán là văn bản được tạo lập ra giữa bên mua và bên bán trong giao dịch mua bán hàng hóa hay dịch vụ,v.v.. Có nhiều loại khác nhau, chẳng hạn như: hợp đồng mua bán bất động sản, hợp đồng mua bán đất, hợp đồng mua bán xe ô tô,…
3 lời khuyên hữu ích khi biên dịch Nhật – Việt hợp đồng mua bán dành người biên dịch mới vào nghề
1. Nghiên cứu tài liệu hợp đồng mua bán Việt – Nhật
Cấu trúc, từ ngữ, văn phong của hợp đồng thường xa lạ trong đời sống hằng ngày. Nhiều người lúng túng vì đọc tiếng Nhật của hợp đồng thì hiểu nghĩa nhưng không biết diễn đạt kiểu gì trong tiếng Việt. Vì thế, trước khi tiến hành biên dịch Nhật – Việt, người biên dịch cần phải tra cứu, tìm hiểu về các loại hợp đồng của cả Nhật Bản lẫn Việt Nam. Lý do là từ ngữ, văn phong sử dụng trong hợp đồng có nhiều khác biệt ở từng ngôn ngữ. Xin tham khảo ví dụ điều 1 của hợp đồng mua bán dưới đây:
○○○○(以下、「甲」という。)は、○○○○(以下、「乙」という。)に対し、甲の所有する以下の物品(以下、「本商品」という。)を金○○万円で売り渡し、乙はこれを買い受けた。
Từ “売る (bán)” trong đời sống hằng ngày được dùng thành “売り渡す (bán và giao hàng: động từ phức)”, 買う (mua) được dùng thành 買い受け (mua và nhận hàng: động từ phức) trong văn bản hợp đồng tiếng Nhật. Tương tự, trong văn bản hợp đồng tiếng Việt, để tăng tính chặt chẽ của hợp đồng, người ta sử dụng “đồng ý bán (売ることを同意する)” thay cho “bán”, “đồng ý mua (買うことを同意する)” thay cho “mua”. Ngoài những khác biệt nhỏ nhưng không dễ nhận biết đó, hợp đồng mua bán của hai ngôn ngữ cũng có nhiều điểm chung. Ví dụ: cấu trúc của hợp đồng mua bán của Việt Nam và Nhật Bản khá khác nhau nhưng các tiêu đề và nội dung của các điều luật có nhiều điểm giống nhau. Cụ thể, xin xem bảng dưới đây:
Tiếng Nhật | Gợi ý phương án biên dịch Nhật – Việt |
第1条(売買契約) | Điều 1 (Đối tượng của hợp đồng)
※Tên hàng- Số lượng- Chất lượng- Giá trị hợp đồngになる場合もあります。 |
第2条(売買代金の支払方法) | Điều 2 (Phương thức thanh toán) |
第3条(本商品の引渡し等) | Điều 3 (Giao hàng) |
第4条(危険負担) | Điều 4 (Trách nhiệm chịu rủi ro) |
第5条(損害賠償責任) | Điều 5 (Trách nhiệm bồi thường thiệt hại) |
第6条(遅延損害金) | Điều 6 (Tiền bồi thường khi chậm thanh toán) |
第7条(合意管轄) | Điều 7 (Giải quyết tranh chấp) |
第8条(協議事項) | Điều 8 (Điều khoản chung) |
2. Hiểu chính xác ý nghĩa của từ ngữ chuyên ngành pháp luật – Thống nhất từ vựng
Người biên dịch có xem qua nhiều mẫu hợp đồng khác nhau, nắm bắt được ý nghĩa của từ ngữ chuyên ngành pháp luật sẽ có thể dịch hợp đồng chính xác từ tiếng Nhật sang tiếng Việt. Ví dụ, trong hợp đồng, tại điều khoản quy định về Trách nhiệm chịu rủi ro, có câu đề cập đến lý do được miễn trừ như sau: “乙の責めに帰することのできない事由”. “Lý do” được nhắc đến trong văn bản là những lý do gì? Hiểu đầy đủ ý nghĩa thì có thể lựa chọn từ ngữ thích hợp nhất. Trong hợp đồng cũng thường có các “ngữ cố định (決まり文句)” nên có lẽ chúng ta nên tập hợp cho chính mình một bảng các từ vựng Nhật – Việt liên quan đến hợp đồng.
Ngoài ra, việc thống nhất từ vựng trong văn bản dịch cũng rất quan trọng. Ví dụ: “甲” trong tiếng Việt có thể dịch là “bên A” hoặc “bên bán”. Nếu từ đầu đã dịch “甲” là “bên A” thì nên sử dụng thống nhất như vậy từ đầu đến cuối văn bản dịch.
3. Nắm vững các điểm ngữ pháp thường được sử dụng trong hợp đồng
Bảng dưới đây tập hợp một số điểm ngữ pháp tiếng Nhật thường được sử dụng trong hợp đồng. Nắm vững các điểm ngữ pháp này sẽ giúp bạn không lúng túng, góp phần hiểu chính xác nội dung hợp đồng. Ví dụ: khi nói đến thời hạn, trong hợp đồng thường dùng điểm ngữ pháp “~までに (đến~)”. Vậy “~までに (đến~)” có bao gồm điểm thời gian được đề cập đến hay không? Phải hoàn thành trước điểm thời gian đó hay sao? Rõ ràng nếu dịch sai sẽ gây phiền toái cho khách hàng.
Ngữ pháp | Ví dụ – Gợi ý phương án biên dịch Nhật – Việt |
~しなければならない | 甲及び乙は、本契約に違反することにより、相手方に損害を与えたときは、その損害の全てを賠償しなければなりません。
Bên A và Bên B phải bồi thường toàn bộ tổn thất nếu gây tổn thất cho bên còn lại do vi phạm hợp đồng này. |
~するものとする ~ものとする ※大体において「しなければならない」又は「・・・する」という字句で表せば、その語の持つ意味に近い表現になるものですが、もう少し緩和した表現を用いるほうが適当であると考えられるような場合に多く用いられます。 | 本商品の所有権が乙に移転する前に、乙の責めに帰することのできない事由により、滅失、毀損したときは、その損害を甲が負担するものとする。 Trước khi quyền sở hữu sản phẩm được chuyển giao cho Bên B, nếu sản phẩm bị mất hoặc hư hỏng không do nguyên nhân của Bên B thì Bên A chịu trách nhiệm với phần thiệt hại đó. |
~に対する | 乙は、甲に対し、前条の代金について、甲の指定する銀行口座に振り込むとする。
Về khoản tiền ghi ở điều khoản phía trên, Bên B chuyển khoản cho Bên A theo tài khoản ngân hàng do bên A chỉ định. |
~までに | 甲は○○年〇月〇日までに、乙に対し、本商品を引き渡すものとする。
Bên A giao sản phẩm cho Bên B chậm nhất đến ngày/tháng/năm |
~限り
(~までに) | 【分割して支払う場合】 ○○年〇月〇日限り 金____万円 Hạn cuối: ngày/tháng/năm Số tiền_______yen |
~をもって | 本商品の所有権は、前項の引渡しをもって、甲から乙に移動するものとする。
Quyền sở hữu sản phẩm được chuyển từ Bên A sang cho Bên B tính tại thời điểm giao hàng được quy định tại điều khoản phía trên. |
~の上 | 本契約書を2通作成し、各自署名押印の上、各1通を保有する。 Hợp đồng này được lập thành 2 bản, mỗi bên giữ 01 bản sau khi đã đóng dấu và ký tên. |
Lời kết
Những văn bản như hợp đồng mua bán cần tính chính xác, tính chặt chẽ cao. Để có thể dịch chính xác, người biên dịch mới vào nghề trước hết cần phải xem qua thật nhiều hợp đồng bằng cả tiếng Nhật lẫn tiếng Việt. Cần tra cứu từ ngữ chuyên ngành pháp luật nếu không hiểu hoặc có trường hợp cần phải trao đổi với chuyên gia.
LJ Services là công ty chuyên về biên dịch Nhật – Việt. Chúng tôi nhận biên dịch không chỉ hợp đồng mà còn nhiều văn bản trong các lĩnh vực sản xuất khác nhau. Xin tham khảo Dịch vụ biên dịch của LJ Services.