Bạn đã từng trải qua cảm giác phải thốt lên: “ôi thôi…”, “ôi, tiếc quá!”, khi lỡ nộp cho khách hàng bản dịch còn sót lỗi dù đã kiểm tra trước khi nộp nhiều lần? Lỗi sai trong biên dịch đúng là muôn hình vạn trạng. Sau khi tìm hiểu nhiều văn bản biên dịch Nhật – Việt, chúng tôi đã phân loại các lỗi sai trong biên dịch Nhật – Việt ra 3 nhóm chính, giải thích cụ thể với nhiều ví dụ. Mời các bạn tham khảo bài viết này để cùng nâng cao chất lượng dịch thuật!

Biên dịch là gì?
Biên dịch là quá trình chuyển đổi ngôn ngữ từ văn bản được viết bởi ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, đó hoàn toàn không chỉ đơn thuần là công việc chuyển nghĩa. Người biên dịch ngoài khả năng về ngôn ngữ, cần có kiến thức chuyên môn, khả năng tư duy, sự hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa của cả hai ngôn ngữ thì mới chuyển tải được hết ý nghĩa, sắc thái,v.v. của văn bản nguồn.
Lịch sử ngành biên dịch tiếng Nhật tại Việt Nam
Ngày 21/9/1973, Nhật Bản và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, Nhật Bản và Việt Nam đã có mối dây liên hệ lịch sử lâu dài từ thế kỷ thứ 8. Đặc biệt, vào khoảng thế kỷ 17, thời đại của các thuyền buồm thương mại của Nhật Bản gọi là Châu Ấn thuyền (朱印船 – Shuinsen) , nhiều thuyền buôn của Nhật Bản đã đến Việt Nam bán: bạc, đồng, lưu huỳnh, kiếm,v.v. và mua tơ sợi, vải lụa, đường,v.v. của Việt Nam mang về. Ở thời kỳ đầu của hoạt động giao lưu, có lẽ người ta giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ trung gian, chẳng hạn như tiếng Trung Quốc. Nhìn lại lịch sử ngành biên dịch ở Việt Nam thì từ xưa các tác phẩm văn học nước ngoài, các văn bản kinh tế, chính trị, xã hội đã được dịch từ tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh ra tiếng Việt. Tuy nhiên, hầu như các tác phẩm văn học Nhật Bản không được dịch trực tiếp từ tiếng Nhật ra tiếng Việt mà thông qua các ngôn ngữ trung gian như tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh. Tác phẩm văn học Nhật Bản đầu tiên được dịch ra tiếng Việt là “Giai nhân chi kỳ ngộ”, do Phan Châu Trinh dịch từ tiếng Trung vào năm 1913. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thanh Tâm (2013), từ 1945 – 2001 có 79 tác phẩm văn học Nhật Bản được dịch ra tiếng Việt nhưng chỉ có vỏn vẹn 6 tác phẩm là dịch trực tiếp từ tiếng Nhật. Sau năm 2000, cùng với sự phát triển sâu đậm của quan hệ giao lưu Nhật – Việt, biên dịch tiếng Nhật phát triển khởi sắc tại Việt Nam. Từ 2002 – 2023 đã có 146 tác phẩm dịch văn học Nhật Bản, trong đó 70% (102 tác phẩm) được dịch trực tiếp từ tiếng Nhật sang tiếng Việt. Hơn thế, hiện nay, nhiều văn bản đa dạng trong các lĩnh vực như xã hội, kinh tế, phát luật của Nhật Bản cũng được dịch trực tiếp từ tiếng Nhật sang tiếng Việt.
3 loại lỗi sai thường gặp trong biên dịch Nhật – Việt
Lỗi sai về mặt vật lý
Khi biên dịch, lỗi sai về mặt vật lý như: gõ sai chính tả, đọc nhầm là những lỗi sai không thể tránh khỏi. Ví dụ: tiếng Việt là ngôn ngữ có 6 thanh điệu. Trong quá trình biên dịch Nhật – Việt, nếu chỉ cần gõ sai một thanh điệu nhỏ cũng có thể làm thay đổi ý nghĩa của câu văn. Hãy cùng xem ví dụ dưới đây:
Tiếng Nhật | Gợi ý phương án biên dịch Nhật – Việt |
酒類提供罪:2年以下の懲役又は30万円以下の罰金 | Tội cung cấp thức uống có cồn: Phạt tù đến 2 năm và phát tiền đến 300,000 yen (???) 酒類提供罪:2年以下の懲役又は30万円以下の支給 |
誤:phát tiền 支給 正:phạt tiền 罰金 |
Ngoài ra, đọc nhầm cũng là một nguyên nhân gây lỗi sai. ピザ (bánh pizza) và ビザ (visa), 提供 (cung cấp) và 提案 (đề xuất) ,v.v. rất dễ đọc nhầm. Nếu đọc nhầm, có khả năng người dịch sẽ suy diễn nghĩa theo một hướng khác gây ra tình trạng dịch sai.

Lỗi sai về mặt ngữ pháp
Trong rất nhiều đánh giá về lỗi sai về mặt ngữ pháp khi biên dịch, chúng tôi xin đưa ra 2 lỗi sai thường gặp là: xác định chủ ngữ và bổ ngữ, câu phủ định của phủ định.
Tiếng Nhật là ngôn ngữ có khuynh hướng lược bỏ chủ ngữ. Nhiều câu văn có nhiều thành phần bổ ngữ, ẩn chủ ngữ. Với các trường hợp đó, người biên dịch cần phân tích cấu trúc của câu. Hãy thử phân tích chủ ngữ và thành phần bổ ngữ của ví dụ dưới đây. Nếu có thể trả lời được câu hỏi: “Trong lễ kỷ niệm có bao nhiêu tiết mục nghệ thuật được trình diễn?” thì có lẽ bạn có thể dịch đúng.
29日に開催された記念式典では、日本三大盆祭りのひとつであり、昨年ユネスコ無形文化遺産に登録された「郡上踊り」を皮切りに、岐阜市出身でグラミー賞2度受賞したトランペット「大野俊三」さんの演奏や美濃市出身の講談師「神田京子」さん、羽島市出身のピアノ演者「後藤雄也」さん、垂井町出身の琴演者「鹿野竜星」さんの三人の協演を行い、岐阜から世界に飛び出した先人たちを講談風に紹介され、岐阜県の「魅力」と「誇り」が多く盛り込まれた式典となりました。
(Tạp chí Thông tin Giao lưu Quốc tế – Đa Văn hóa Sekai wa Hitotsu, Quyển 155, p.1)
Ngoài ra, tiếng Nhật cũng hay sử dụng loại câu phủ định của phủ định.
Ví dụ: ~ないわけではない, ~ないこともない, せざるを得ない,v.v..
Người Nhật sử dụng câu phủ định của phủ định để nhấn mạnh ý khẳng định hay khẳng định một cách tế nhị. Thế nhưng, với người biên phiên dịch tiếng Nhật, câu phủ định của phủ định như là “một cái bẫy ngôn ngữ” vì rất dễ dịch nhầm. Ví dụ, tại một cuộc đàm phán sát nhập doanh nghiệp, có phát ngôn như dưới đây:
「率直に申し上げれば、成就しない可能性もゼロではありません」
Ví dụ trên có phủ định ở cả chủ ngữ lẫn vị ngữ. Hơn thế, phủ định ở vị ngữ lại là phủ định của số 0. Khi dịch sang tiếng Việt, nếu dịch theo từng từ, dịch theo mặt chữ sẽ rất khó hiểu nên cần dịch đơn giản là: “Thành thật mà nói, có khả năng không đạt được mục tiêu”.
Lỗi sai về mặt từ vựng
Trong tiếng Việt có số lượng lớn từ vựng mượn từ tiếng Hán, gọi là từ Hán Việt. Người Việt học tiếng Nhật có lợi thế là có thể nhìn Hán tự, đoán nghĩa và nghĩ ngay đến từ Hán Việt tương ứng thích hợp. Tuy nhiên, có trường hợp không thể dùng từ Hán Việt tương ứng để dịch vì câu dịch tiếng Việt không tự nhiên. Một lỗi sai điển hình là từ “対応する” trong tiếng Nhật thường được dịch ra tiếng Việt bằng từ Hán Việt là “đối(対)ứng(応)” nhưng không phải trường hợp nào cũng đúng. Các ví dụ dưới đây cho thấy cần phải lựa chọn từ ngữ theo tình huống cụ thể.
Tiếng Nhật | Gợi ý phương án biên dịch Nhật- Việt |
クレーム対応の手順 | Các bước xử lý tình huống khách hàng phàn nàn (処理) |
【病院のお知らせ】24時間365日対応します(かかりつけ患者様に限ります) | Hỗ trợ 24 giờ trong ngày 365 ngày trong năm (サポート) |
災害対応 | Ứng phó khi có thiên tai- thảm họa (適応する/対応する) |
英語対応OK | Có thể sử dụng tiếng Anh (英語使用可) |
Thêm vào đó, với những đồ vật hay khái niệm mà ở Việt Nam không có thì dịch từ tiếng Nhật ra tiếng Việt như thế nào? Ví dụ: khái niệm về thế giới quan riêng biệt của Nhật Bản như “Wabi”, “Sabi”, không gian gọi là “Toko no ma” của nhà truyền thống kiểu Nhật,v.v.. Tính tương thích văn hóa trong dịch thuật rất quan trọng nhưng có trường hợp việc “Việt hóa ngôn ngữ” làm mất đi ý nghĩa và giá trị đặc trưng của tiếng Nhật.
Hơn nữa, việc dịch các từ ngữ có nhiều tầng lớp ý nghĩa, sắc thái không hề dễ. Đặc biệt là biên dịch văn bản pháp luật. Ví dụ “酒類提出罪 (Tội cung cấp thức uống có cồn)” có vẻ đơn giản nhưng vì là từ vựng chuyên ngành pháp luật nên cần lựa chọn từ ngữ cẩn thận. Người biên dịch Nhật – Việt trong trường hợp này có lẽ cần suy nghĩa đến 3 điều sau:
- Hành vi cung cấp thức uống có cồn cho người điều khiển phương tiện giao thông không phải là hành vi phạm pháp theo Luật pháp Việt Nam
- “酒類提出罪” không phải chỉ là hành vi cung cấp thức uống có cồn mà bao gồm cả hành vi mời uống thức uống có cồn
- “酒類” trong tiếng Nhật không chỉ là bia, rượu mà là toàn bộ thức uống có chứa chất cồn nên khi dịch văn bản Luật Giao thông Đường bộ nên dịch là “thức uống có cồn” thì chính xác hơn.
Vì thế, với trường hợp dịch “酒類提出罪” thì tùy theo bố cục, cấu trúc, văn mạch của văn bản nguồn, người biên dịch có thể lựa chọn phương án 2 hay phương án 3 dưới đây; hoặc phương án 1 kèm theo phụ chú giải thích về Tội cung cấp thức uống có cồn. Có trường hợp cần trao đổi với phía khách hàng về phương án dịch.
Tiếng Nhật | Gợi ý phương án biên dịch Nhật- Việt |
酒類提出罪 | <Phương án 1> Tội cung cấp thức uống có cồn アルコール飲料を提供する罪 |
<Phương án 2> Tội cung cấp thức uống có cồn hay mời thức uống có cồn アルコール飲料を勧めるか、あるいは提供する罪 | |
<Phương án 3> Tội cung cấp thức uống có cồn hay mời thức uống có cồn cho người điều khiển phương tiện giao thông 車両等を運転した者にアルコール飲料を勧めるか、あるいは提供する罪 |
▼Xem ngay các bài viết về biên dịch Nhật – Việt các tài liệu liên quan đến pháp luật ‐ hành chính dưới đây:
【Biên dịch Nhật – Việt】5 Điểm quan trọng cần biết khi dịch giấy chứng nhận kết hôn!
【Biên dịch Nhật – Việt】Từ vựng văn bản hành chính
【Biên dịch tiếng Nhật】Tên của các bộ ngành bằng tiếng Nhật sau khi sáp nhập từ 1/3/2025
Ngoài ra, trong biên dịch Nhật – Việt, ý nghĩa của các ký hiệu cũng rất dễ nhầm lẫn. Ký hiệu hình tam giác ▲ thường không được dùng nhiều trong văn bản tiếng Việt nhưng lại là ký hiệu hay xuất hiện trong báo cáo kinh tế hay bảng quyết toán của Nhật Bản. ▲ có trong thang máy có nghĩa là “đi lên” nên nhiều người Việt đoán nghĩa là “tăng lên”. Tuy nhiên, thực tế thì ngược lại. Trong tiếng Nhật, ▲ có nghĩa là “phần trừ đi/ phần giảm đi”. Hãy cẩn thận chú ý để không bị nhầm lẫn khi biên dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Việt!
Kết luận
Có muôn hình vạn trạng lỗi sai trong biên dịch. Trong bài này, chúng tôi đã phân thành 3 loại lỗi sai chính trong biên dịch Nhật – Việt thông qua nhiều ví dụ cụ thể. Khi biên dịch, để tránh lỗi sai, dịch sai, cần thực hiện biên dịch một các cẩn thận và cần có người kiểm tra chéo, hiệu đính.
LJ Services là công ty biên phiên dịch chuyên về tiếng Việt tại vùng Tokai (Aichi, Gifu, Mie). Công ty chúng tôi có quy trình biên dịch được quy chuẩn hóa, hiệu đính bản dịch kỹ lưỡng. Các đơn hàng cần gấp được thực hiện nhanh chóng và cẩn thận. Xin vui lòng liên hệ!
Tài liệu tham khảo
NGUYEN Thanh Tam, “Relay translation of Japanese Literature in Vietnam – Historical background and several translation Problems,” Interpreting and Translation Studies,No.13, 2013. pages 79-95. © by the Japan Association for Interpreting and Translation Studies